Vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất. Số vắc xin được tiêm ở Việt Nam đã chạm mốc 60 triệu liều, một con số “đáng mơ ước” đối với nhiều nước trong bối cảnh khan hiếm vắc xin trên toàn thế giới.
Việt Nam xác định chiến lược vắc xin vừa là nhiệm vụ rất cấp bách vừa là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài. Nghị quyết 21/NQ-CP về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 đặt mục tiêu 150 triệu liều vắc xin để tiêm phòng cho 70% dân số.
Hằng ngày trên mỗi bản tin, mỗi phát biểu, mỗi cuộc họp Ban chỉ đạo, người dân đều cảm nhận rõ quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước khi đặt lợi ích quốc gia, dân tộc; chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân là trên hết. Trong đó trước hết và "phải khẩn trương, thực hiện các giải pháp phù hợp để có đủ vắc xin sớm nhất tiêm phòng cho nhân dân trên diện rộng".
Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 90 triệu liều vắc xin, đến cuối năm 2021, số lượng vắc xin về Việt Nam tiếp tục nhiều hơn nữa. Trong chiến lược tổng thể về phòng chống dịch trong tình hình mới, thì Chính phủ xác định tập trung vào vắc xin, xét nghiệm và điều trị; tập trung nâng cao năng lực hệ thống đáp ứng để trở lại trạng thái "bình thường mới" vào năm 2022.
Tốc độ và số lượng vắc xin về Việt Nam vừa qua tăng rất nhanh có phần đóng góp quan trọng từ sự chỉ đạo và vận động hết sức quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Các chuyến thăm song phương, hàng trăm cuộc tiếp xúc, điện đàm, trao đổi thư với các nước, các tổ chức quốc tế, các hãng sản xuất.
Mạng lưới 94 cơ quan đại diện Việt Nam tại các quốc gia đã chủ động, tích cực đẩy mạnh tìm hiểu, tổng hợp kinh nghiệm của các nước về phòng, chống dịch, làm tốt công tác ngoại giao vắc xin.
Trong nửa đầu năm 2021, Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp do chúng ta kiểm soát tốt dịch bệnh nên không được ưu tiên phân phối vắc xin. Tuy nhiên, khi đợt bùng phát dịch thứ 4 lan rộng và gây ra những hậu quả lớn, lãnh đạo các cấp không ngần ngại đề cập thẳng thắn về vấn đề vắc xin với các quốc gia bạn bè, đối tác và đều được thế giới lắng nghe.
Hoạn nạn mới biết chân tình, hơn bao giờ hết, vào thời khắc khó khăn, thách thức khi dịch bùng phát trở lại, đón nhận những liều vắc xin Covid-19 quý báu của các bạn bè quốc tế, chúng ta càng thấm thía được lẽ sống giúp người cũng là giúp chính mình.
Những con số biết nói của từng đợt hàng trăm nghìn, hàng triệu liều mà ngoại giao vắc xin vận động được là minh chứng rõ ràng nhất cho uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như mạng lưới quan hệ rộng mở với bạn bè khắp các châu lục.
Tính đến nay, tiêm 1 mũi là hơn 41 triệu liều, tiêm mũi 2 là gần 18 triệu liều, gần 20% người trên 18 tuổi được tiêm.
Nhìn về nơi từng là “điểm nóng bỏng nhất” dịch Covid-19 của cả nước TP.HCM, theo số liệu từ Sở Y tế TP này tỷ lệ bao phủ của TP.HCM đạt 98,42% người trên 18 tuổi tiêm mũi 1, người tiêm đủ 2 mũi là 74,5%. Sự bao phủ vắc xin làm thay đổi tư duy về chống dịch.
Còn nhớ cách đây hơn 2 tháng khi vắc xin chưa bao phủ diện rộng số ca mắc và tử vong của TP luôn ở con số khiến nhiều người “bàng hoàng”. Những ngày tháng 8-9 số ca mới mỗi ngày hơn đều trên 5.000 ca nhưng từ tháng 10 trở đi xu hướng giảm rõ rệt đến ngày 14/10 số ca mắc còn chưa đến 1.000 ca/ngày.
Tương tự số ca nhập viện mỗi ngày từ 2.046 ca xuống còn 886 ca. Đặc biệt, số ca tử vong giảm rõ rệt: từ ngày 26/9 đến 2/10 có 822 ca tử vong, nhưng từ ngày 10/10 đến 12/10 chỉ còn 219 ca tử vong.
Một ngày sau khi Chính phủ ban hành nghị quyết 128 thay thế các chỉ thị 15, 16, 19 áp dụng lâu nay, Bộ Y tế ngày 13/10 cũng có hướng dẫn tạm thời nhằm phân loại cấp độ dịch để hiện thực hóa nghị quyết này. Có 3 tiêu chí bắt buộc phân loại cấp độ dịch.
TP.HCM có trên 9,1 triệu dân, nếu tính trên tổng số ca mắc mới/tuần thì TP.HCM xếp ở cấp 3 - nguy cơ cao - vùng cam (114 ca/100.000 dân).
Tuy nhiên đổi lại, tỉ lệ tiêm chủng của TP lại đạt khá cao, cao hơn khá nhiều so với tiêu chí của Bộ Y tế (trên 70%). Chính điều này được đánh giá là "điểm cộng" giúp TP.HCM được xếp xuống cấp 2 - nguy cơ trung bình (vùng vàng).
Có thể thấy, chiến dịch tiêm phòng vẫn đang diễn ra trên diện rộng đã mang lại hiệu quả cao, đặc biệt tại khu vực phía Nam. Dù hiệu lực của vắc xin không phải 100% nhưng đây vẫn là “vũ khí hữu hiệu” giúp phòng ngừa Covid-19 và tiến tới tạo miễn dịch cho cộng đồng.
Tỷ lệ tiêm chủng ngày càng cao cùng hiệu quả của vắc xin giúp nước ta kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 tiến tới bình thường mới.
Không chỉ vậy, với những nỗ lực không mệt mỏi, đến nay, Việt Nam đã làm chủ công nghệ, sản xuất được nhiều loại sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị phục vụ công tác chống dịch. Nghiên cứu sản xuất vắc xin đã có những bước đi ban đầu rất nhanh, đạt kết quả tốt. Dự kiến, đầu năm 2022 sẽ có ít nhất một nhà máy sản xuất vắc xin đi vào hoạt động, đáp ứng yêu cầu trong nước và có thể xuất khẩu.
Vắc xin thực sự là câu chuyện biến nguy thành cơ, biết tận dụng để dịch bệnh không chỉ là thảm họa mà còn là cơ hội để hoàn thiện và phát triển của Việt Nam./.