TÁC CHIẾN ĐIỆN TỬ VIỆT NAM: BƯỚC TIẾN BẮT KỊP THẾ GIỚI

         Từ năm 2010, tác chiến điện tử (TCĐT) được Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ IX xác định là một trong những lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Tuy nhiên, hiện tại, các sản phẩm thuộc ngành TCĐT đa số phải nhập khẩu từ nước ngoài với số lượng ít, khó khăn trong việc bảo đảm kỹ thuật và an toàn thông tin. Do đó, việc nghiên cứu, chế tạo trong nước đáp ứng được nhu cầu trang bị cho lực lượng TCĐT được đặt ra ngày càng cấp thiết trong bối cảnh chiến tranh hiện đại.

         Cục Tác chiến điện tử (TCĐT), Bộ Tổng Tham mưu được thành lập từ năm 1982 là cơ quan đầu ngành tham mưu với thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu về công tác TCĐT trong toàn quân. Tại các quân binh chủng trong toàn quân đều có lực lượng TCĐT riêng. Cục TCĐT là đơn vị được trang bị một số khí tài TCĐT hiện đại.

         Các đơn vị khác trong toàn quân như Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không-Không quân đã trang bị một số tổ hợp TCĐT.

         Tại Việt Nam, việc nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) trong lĩnh vực TCĐT được quan tâm từ rất sớm, có nhiều đơn vị tham gia nghiên cứu khoa học. Trong đó, tiêu biểu là Học viện Kỹ thuật quân sự, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Trung tâm Kỹ thuật TCĐT 80 (Cục TCĐT, Bộ Tổng Tham mưu).

         Học viện Kỹ thuật Quân sự là cơ sở đào tạo và nghiên cứu KH&CN hàng đầu thuộc Bộ Quốc phòng. Với đặc thù là môi trường đào tạo, các nghiên cứu trong lĩnh vực TCĐT của học viện tập trung vào khoa học cơ bản, kỹ thuật thiết kế mới, như: Thuật toán xử lý tín hiệu, truyền tin, kỹ thuật mô phỏng các dạng anten, các thuật toán phân tích, thích nghi... Tuy nhiên, học viện chưa có các đề tài tập trung vào việc nghiên cứu thiết kế, chế tạo sản phẩm TCĐT hoàn chỉnh để đưa vào trang bị trong quân đội.

         Viện KH&CN quân sự là viện nghiên cứu KH&CN đa ngành của Bộ Quốc phòng với khoảng 10 viện nghiên cứu, như: Viện Tên lửa, Viện Radar, Viện Điện tử... và Trung tâm Công nghệ cơ khí chính xác. Trong lĩnh vực TCĐT, tại Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X, hệ thống radar thụ động, thuộc dự án “Nghiên cứu thiết kế, chế thử mẫu trạm radar thụ động định vị mục tiêu theo phương pháp TDOA” của Viện Radar được chính thức giới thiệu.

         Trung tâm Kỹ thuật TCĐT 80 được thành lập ngày 22-7-1980. Khi đư­ợc điều động về trực thuộc Cục TCĐT (Bộ Tổng Tham mưu) năm 1992, trung tâm đ­ược xác định là cơ sở kỹ thuật đầu cuối của ngành TCĐT, thực hiện chức năng bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) ngành TCĐT toàn quân; nghiên cứu KH&CN lĩnh vực TCĐT; sản xuất vật tư kỹ thuật và đồng bộ trang bị khí tài TCĐT phục vụ huấn luyện, SSCĐ và chiến đấu cho ngành. Từ năm 2004, trung tâm được giao thực hiện nhiệm vụ sản xuất các loại vật tư kỹ thuật phục vụ công tác bảo dưỡng, sửa chữa và đồng bộ trang bị khí tài TCĐT. Tính đến nay, cán bộ, nhân viên của đơn vị đã nghiên cứu, sản xuất, nhập kho kỹ thuật của ngành được hơn 300 chủng loại vật tư­; cơ bản đáp ứng yêu cầu bảo đảm kỹ thuật cho trang bị khí tài TCĐT; tiết kiệm đáng kể kinh phí; sửa chữa, phục hồi và đưa vào sử dụng hầu hết các chủng loại khí tài TCĐT thế hệ cũ, từng bước làm chủ khả năng khắc phục hỏng hóc và sửa chữa trang thiết bị khí tài TCĐT thế hệ mới.

         Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT), tiền thân là Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel, bắt đầu tham gia thị trường nghiên cứu và sản xuất các thiết bị quân sự công nghệ cao từ năm 2011. Với tư duy đi tắt đón đầu và sử dụng các công nghệ mới nhất, VHT đã lựa chọn nền tảng công nghệ SDR mới nhất cho các sản phẩm quân sự công nghệ cao của mình.

         Sau khi thành công trong việc nghiên cứu và sản xuất các loại máy thông tin quân sự và radar cảnh giới, VHT đã tham gia nghiên cứu, thiết kế và chế tạo các sản phẩm TCĐT từ năm 2015. VHT tiếp tục với tư duy đi tắt đón đầu trong việc sử dụng công nghệ Cognitive Electronic Wareface (TCĐT thích nghi). Đến nay, VHT đã đạt được một số kết quả nhất định, nghiên cứu chế tạo và ứng dụng thực tế công nghệ tương đương thế giới như: Đưa vào trang bị “Hệ thống trinh sát vô tuyến điện tử VSI-3” (dải tần số 20 MHz - 3GHz, công nghệ TDOA) tương tương hệ thống trinh sát BlackBrid 350 của hãng TCI/Mỹ; thử nghiệm thành công tại đơn vị “Hệ thống giám sát phổ dải rộng VSM-1S” (dải tần số 1,5 MHz - 6GHz); thử nghiệm thành công tại đơn vị “Hệ thống trinh sát điện tử thông minh V-ELINT18” (dải tần số 50MHz - 18GHz; băng thông tức thời 500MHz, công nghệ TDOA) tương đương hệ thống VERA-NG nổi tiếng của hãng ERA/Cộng hòa Séc.

         VHT sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển các sản phẩm trong lĩnh vực chế áp điện tử, bao gồm các hệ thống tự động phát hiện và chế áp thiết bị bay không người lái, các hệ thống chế áp tín hiệu thông tin liên lạc, các hệ thống chế áp tín hiệu radar. Song song với việc phát triển các sản phẩm TCĐT, VHT cũng đang nghiên cứu nền tảng công nghệ Cognitive EW để trang bị vào các sản phẩm TCĐT. Mục tiêu là đến năm 2025, VHT sẽ làm chủ được công nghệ Cognitive EW-công nghệ TCĐT hiện đại nhất hiện nay.

         Như vậy, nghiên cứu làm chủ công nghệ, từng bước chế tạo các khí tài TCĐT hiện đại đã được Bộ Quốc phòng quan tâm và thực hiện suốt nhiều năm qua. Tin tưởng rằng, cùng với chiến lược đúng đắn trong trang bị các phương tiện TCĐT hiện đại, đầu tư đúng mức cho việc nghiên cứu, phát triển các thiết bị của Việt Nam, ngành TCĐT Việt Nam sẽ bắt kịp trình độ công nghệ tiên tiến nhất hiện nay.

------------

Nguồn: Báo QĐND

DƯƠNG MINH TÙNG