ÔNG “BẢY ƯỚC” LÀ LINH HỒN CỦA ĐẶC CÔNG VIỆT NAM


    Nhắc đến Đại tá Lê Bá Ước (Bảy Ước) không thể không nhắc đến những chiến công vang dội đã làm nên lịch sử - người từng là “linh hồn” của Đặc công rừng Sác,  anh hùng Đại tá Lê Bá Ước cùng Bộ đội Đặc công Rừng Sác đã làm nên những chiến công huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ.

    Đại tá Lê Bá Ước sinh ra trong một gia đình và làng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng ở xã Vĩnh Hòa Hưng, huyện Gò Quao, tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang). Ông tham gia cách mạng từ năm 1945. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia Vệ Quốc đoàn, Ban Tình báo C70. Năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc. Năm 1965, ông vượt Trường Sơn trở về miền Nam chiến đấu với quân hàm Đại úy. Ngày 15/4/1966, Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác ra đời. Rừng Sác là một vị trí chiến lược quan trọng, bàn đạp hiểm yếu tiến công vào sào huyệt, đầu não Mỹ - Ngụy tại Sài Gòn từ hướng Đông Nam. Sau trận Tổng tiến công và nổi dậy của quân dân ta vào mùa xuân năm 1968, địch bao vây, đánh phá ác liệt Rừng Sác vào những năm 1969 - 1971. Chính thời gian này, Thiếu tá Lê Bá Ước là Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy Trung đoàn 10 đặc công, được suy tôn là “Anh cả Rừng Sác”.

    Ông tham gia chỉ huy đánh thắng nhiều trận vang dội như đánh kho bom thành Tuy Hạ, đốt cháy kho xăng Nhà Bè, pháo kích kiểu đánh Đặc công với 70 trận vào Dinh Độc lập, Tòa Đại sứ Mỹ, Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy quyền. Tính từ năm 1966 - 1973, Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác đã tổ chức đánh 740 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 6.200 tên địch. Đánh cháy và chìm 356 tàu, thuyền chiến đấu; đánh chìm tại các bến cảng 145 tàu vận tải quân sự và bắn cháy, chìm trên sông Lòng Tàu hơn 100 chiếc vận tải quân sự khác và bắn rơi 23 máy bay lên thẳng. Với những chiến công vang dội đó, Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác đã được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang ngày 23/9/1973.

    Đầu năm 1974, ông được thăng quân hàm Trung tá, là Chính ủy Sư đoàn 2 đặc công. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Sư đoàn 2 đặc công đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ đánh chiếm giữ những đầu cầu trọng yếu và mở cửa cho 5 Quân đoàn chủ lực tiến vào giải phóng Sài Gòn.

    Năm 1978, ông chỉ huy đơn vị bộ đội địa phương tham gia chiến đấu đánh Pôn Pốt bảo vệ nhân dân ở tuyến biên giới Lộc Ninh - Bù Đốp… Hoàn thành nhiệm vụ trở về, Đại tá Lê Bá Ước tham gia lãnh đạo, chỉ huy lực lượng vũ trang Đồng Nai và nhiều công tác ở địa phương.

    Ông nguyên là Tỉnh ủy viên; Đại biểu HĐND tỉnh khóa III, IV; nguyên Chỉ huy phó Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai. Ông đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Quân công hạng II; Huân chương chiến thắng hạng III; Huân chương kháng chiến hạng Nhất; Huân chương chiến công hạng III; Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Chiến sĩ vẻ vang Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Quân kỳ Quyết thắng; Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng.

    Từ năm 1997 đến nay, Đại tá Lê Bá Ước trở về với cuộc sống đời thường, luôn khiêm nhường giản dị. Đại tá cũng tham gia sáng tác nhiều thơ, văn, hồi ký… và là hội viên Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai. Đặc biệt Hồi ký Một thời Rừng Sác ra đời như một lời tri ân, một nén tâm nhang mà Đại tá tưởng nhớ đến những chiến sĩ đặc công đã anh dũng chiến đấu hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại chiến khu Rừng Sác. Qua những trang viết Một thời Rừng Sác (trọn bộ 2 tập) chúng ta càng hiểu thêm giá trị hy sinh của hai ngàn liệt sĩ, trong đó có đến 860 liệt sĩ là cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 10. 

    Dù ở vị trí nào, Đại tá Lê Bá Ước vẫn luôn giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Với 85 tuổi đời, 65 năm tuổi Đảng và nửa thế kỷ tham gia cách mạng, Đại tá Lê Bá Ước là hình mẫu của tấm lòng tận trung với Đảng, tận hiếu với dân và là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ học tập và noi gương. Vĩnh biệt ông, vĩnh biệt một huyền thoại Rừng Sác anh hùng!

    Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Bá Ước đã từ trần hồi 13 giờ 55 ngày 18/10/2016 tại nhà riêng, do tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 85 tuổi.

Nguồn LSĐC